Việt Nam và Mông Cổ là bạn bè truyền thống. Nhân dân hai nước có tình cảm gắn bó lâu đời. Trong gần 70 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17/11/1954, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Mông Cổ không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động. Việt Nam nhất quán coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác với Mông Cổ.
Luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam, Mông Cổ khẳng định coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là đối tác quan trọng nhất tại Đông Nam Á. Mông Cổ đặt tượng và khai trương Phòng trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trường trung học mang tên Người ở thủ đô Ulaanbaatar.
Hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp giữa hai nước được duy trì thường xuyên, qua đó hiểu biết và tin cậy lẫn nhau được củng cố và hợp tác trong các lĩnh vực được tăng cường. Hợp tác về an ninh-quốc phòng luôn là trụ cột quan trọng trong tổng thể quan hệ hai nước. Mới nhất, hai bên ký Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mông Cổ tới Việt Nam vào tháng 11/2019.
Hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ gần đây tiến triển tích cực. Được thiết lập năm 1979, cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Mông Cổ cấp thứ trưởng về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật được nâng lên cấp Bộ trưởng vào năm 2012. Ủy ban họp định kỳ 2 năm 1 lần, đến nay đã tiến hành được 18 kỳ họp. Việt Nam và Mông Cổ ký kết nhiều bản ghi nhớ hợp tác về kinh tế, thương mại, văn hóa, nông nghiệp, quản lý xuất nhập cảnh...
Trao đổi thương mại giữa hai nước có bước tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây. Từ mức 5 đến 6 triệu USD trong thập niên 1990, kim ngạch thương mại song phương đã đạt 50 triệu USD vào năm 2020, tăng lên các mức 80 và 85 triệu USD vào các năm 2021 và 2022; trong 8 tháng từ đầu năm 2023 đạt 75 triệu USD. Hai nước nỗ lực mở rộng xuất nhập khẩu các mặt hàng hai bên có thế mạnh, như nông thủy sản, hàng tiêu dùng của Việt Nam và các sản phẩm thịt gia súc, da giày của Mông Cổ.
Hợp tác về văn hóa nghệ thuật và giáo dục đào tạo phát triển tích cực. Từ năm 2014, Mông Cổ thường xuyên cử đoàn tham gia Festival Huế; các cơ quan, tổ chức hai nước phối hợp sản xuất và trình chiếu rộng rãi nhiều phim tài liệu về quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Mông Cổ, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước và con người hai nước; các đoàn nghệ thuật tổ chức nhiều chương trình biểu diễn tại cả hai nước. Việt Nam và Mông Cổ ký hiệp định hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, tổ chức thường xuyên chương trình trao đổi sinh viên. Hợp tác về lao động, du lịch, giao lưu nhân dân và giữa các địa phương được tăng cường.