Chúng tôi đến thăm gia đình chị Hoàng Thị Năm ở thôn Nà Lộc, xã Khánh Yên Thượng, huyện vùng sâu Văn Bàn. Trước đây, thu nhập của gia đình chị chủ yếu từ trồng lúa, ngô và chăn nuôi. Hai năm trở lại đây, chị Năm được xã cho đi học nghề chế biến tương ớt. Sau khi học xong, lại được hỗ trợ máy chế biến tương ớt, sản phẩm làm ra bao nhiêu thương lái thu mua hết bấy nhiêu. Chị Năm cho biết: “Trước đây chỉ trồng lúa, ngô cho nên cuộc sống gia đình tôi khó khăn lắm. Từ khi chuyển đổi nghề nghiệp, thu nhập của gia đình cao gấp bốn, năm lần so với trồng lúa. Làm tương ớt còn tận dụng được nhiều lao động cho nên cuộc sống gia đình ổn định, các con được ăn học đầy đủ, tôi còn mua sắm các thiết bị sinh hoạt gia đình…”.
Hiện cơ sở sản xuất tương ớt ở thôn Nà Lộc, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn đi vào hoạt động với 17 gia đình tham gia. Từ mô hình sản xuất này, nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng ớt, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định và cao hơn. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khánh Yên Thượng Lý Thị Tỉnh cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn xã đã có hàng trăm lao động được hỗ trợ đi học nghề. Những người tuổi đã cao, chính quyền bố trí cho đi học những nghề sản xuất tại địa phương như: làm tương ớt, trồng nấm mỡ... Đối với thanh niên, theo chương trình ký kết với các công ty, doanh nghiệp, các em được đi học nghề theo nhu cầu của đơn vị tuyển dụng nên có việc làm và thu nhập ổn định. Nhờ chính sách hỗ trợ và đào tạo nghề mà hàng trăm gia đình ở địa phương đã có việc làm. Tình trạng thanh niên không có việc làm, chơi bời, lêu lổng gây mất trật tự an ninh địa phương không còn xảy ra.
Để thu hút thanh niên, người lao động học nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Văn Bàn cử giáo viên xuống tận thôn, xã phối hợp với chính quyền địa phương để tuyển sinh và tổ chức lớp học nghề ngay tại địa bàn. Trong quá trình học, giáo viên tăng thời gian thực hành tại thực địa, bằng cách chia thành nhóm từ ba đến năm học viên, sau học lý thuyết thì đến các hộ dân thực hành kỹ thuật xây dựng, chế biến gỗ, trồng trọt… Nhờ vậy, học viên nắm vững kỹ thuật và nâng cao kỹ năng nghề được đào tạo. Để dạy nghề cho thanh niên DTTS bảo đảm chất lượng và có việc làm, Trung tâm tập trung vào các ngành sản xuất truyền thống sẵn có như: kỹ thuật trồng và khai thác rừng trồng, chế biến lâm sản, trồng rau an toàn, hướng tới phát triển các lĩnh vực ngành nghề mới như du lịch cộng đồng, kỹ thuật xây dựng… Trung tâm còn liên kết với các trường cao đẳng nghề có chất lượng đào tạo tốt trong và ngoài tỉnh để đào tạo nghề trình độ trung cấp song song với học văn hóa THPT, bảo đảm cho học viên vừa có bằng trung cấp nghề, vừa tốt nghiệp THPT, nhờ vậy đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, nâng cao khả năng tạo việc làm cho học viên là người DTTS. Những năm gần đây, Trung tâm liên kết tổ chức đào tạo hệ trung cấp kỹ thuật sản xuất phân bón cho 85 học viên, trong đó có 82 học viên là người DTTS; đào tạo nghề hệ trung cấp cho 106 học viên là con em đồng bào dân tộc rất ít người thuộc các ngành nghề như: phục vụ nhà hàng khách sạn, công nghệ ô-tô, kỹ thuật lắp đặt thiết bị điện và điều khiển máy móc trong công nghiệp…
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Văn Bàn, đến nay, toàn huyện đã tuyển dụng được 41 lao động là người DTTS đi đào tạo nghề trình độ trung cấp vào làm việc tại Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Lào Cai; tuyển dụng hơn 200 lao động đi làm việc tại Công ty Electronics, trong đó 98% số lao động này là người DTTS. Năm 2018, huyện đã mở được 12 lớp nghề ngắn hạn với 420 lao động, trong đó có 416 học viên là người DTTS. Huyện đã hỗ trợ máy móc, công cụ, thiết bị cho người lao động sau khi học nghề về có thể sản xuất, làm việc cho thu nhập ngay. Chính vì vậy, thời gian qua, tỷ lệ lao động đi học nghề có việc làm trên địa bàn huyện luôn đạt hơn 80%. “Chúng tôi rất quan tâm đến đầu ra của người lao động sau khi học nghề, bằng cách ký hợp tác với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để bảo đảm sau khi học xong người lao động có việc làm và thu nhập ổn định”, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Văn Bàn Nguyễn Văn Bàn khẳng định.
chủ tịch UBND huyện Văn Bàn Phan Trung Bá cho biết, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm ở địa phương vẫn còn một số hạn chế như: một bộ phận người dân còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; việc điều tra khảo sát, tư vấn học nghề chưa đúng, chưa trúng với nhiều trường hợp; cơ sở vật chất, và đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Thời gian tới, huyện sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, trong đó quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, từng bước nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân.