Trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Nga lạnh lẽo như hiện nay và dù quá trình hội đàm chưa đạt được bất cứ một kết quả cụ thể nào, nhưng chỉ riêng việc hai cường quốc hàng đầu thế giới chịu ngồi “nói chuyện” với nhau cũng đủ tạo nên một sự lạc quan nhất định cho cộng đồng quốc tế. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, nhiều khả năng trong quan hệ với Nga Nhà Trắng sẽ tái hiện kịch bản như với Cuba hay Iran.
Xét trên lý thuyết, thời gian gần hai năm "đóng băng quan hệ" có lẽ đã là quá đủ để khiến Washington phải có những điều chỉnh trong cách ứng xử với nước Nga. Vào thời điểm hiện tại, rõ ràng vấn đề Crưm khó có thể thay đổi, cho dù Mỹ có tăng cường thêm những biện pháp trừng phạt đối với Moscow.
Tham gia vào tiến trình hiện thực hóa thỏa thuận Minsk 2 (kể từ sau khi ký hồi tháng 9-2014, thỏa thuận này vẫn chỉ dừng lại ở mức biểu tượng) sẽ là giải pháp ngắn hạn tối ưu nhất giúp Mỹ thể hiện trách nhiệm cũng như vai trò của mình trong quản lý cuộc khủng hoảng Ucraina. Hơn nữa, khi mà cuộc bầu cử tổng thống 2016 đã cận kề, Tổng thống Obama cần giải quyết những vấn đề có triển vọng lớn hơn, điển hình như hiệp định hạt nhân với Iran (dự kiến sẽ được ký vào 30-6-2015), việc bình thường hóa quan hệ với Cuba, hay cuộc chiến chống IS v.v., những vấn đề đủ sức nặng giúp ứng viên kế nhiệm của đảng Dân chủ có được ưu thế tranh cử. Với thực lực cùng với uy tín và kinh nghiệm xử lý các vấn đề quốc tế của Nga, đương nhiên sự trợ giúp, hoặc chí ít là không cản phá của nước này là hết sức cần thiết cho những toan tính của Washington.
Cũng cần phải nhấn mạnh thêm về mức độ nguy hiểm đặc biệt của những rủi ro có thể nảy sinh nếu căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Nga tiếp tục kéo dài. Chính tình trạng đối đầu giữa Nga và phương Tây, đang được ví như một cuộc Chiến tranh lạnh mới, đã làm nảy sinh những vụ việc, đại loại như kiểu tuyên bố của Tổng thống Obama về việc xếp Nga vào danh sách các mối nguy cơ toàn cầu như đại dịch Ebola, hay lực lượng khủng bố IS, hoặc các máy bay chiến đấu của Nga bay lượn trên không phận Bắc Âu. Quan hệ Mỹ – Nga thực sự đang trượt dài tới sát ngưỡng nguy hiểm không thể chấp nhận đối với cả hai phía.
Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền Obama có muốn thay đổi ngay chính sách đối với Nga, cụ thể là dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt lại không phải việc dễ làm. Trước hết, theo cách nhìn nhận của một số nghị sĩ phe Cộng hòa, thì sự thay đổi nhanh chóng của Nhà Trắng đương nhiên bị cho là một thất bại tiếp theo của Tổng thống Obama, như đã từng xảy ra trong vụ vũ khí hóa học của Syria hồi năm 2013. Trong giai đoạn nước rút này (nhiệm kỳ của Tổng thống Obama chỉ còn chưa đầy năm rưỡi), chắc chắn Tổng thống Obama sẽ phải cân nhắc trước những công kích của đảng Cộng hòa.
Hơn thế, cũng do mục đích ch??nh của Nhà Trắng trong chính sách đối đầu với Nga thật khó đoán định nên chưa thể khẳng định chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Kerry là tín hiệu về một sự thay đổi trong chính sách. Nếu mục đích của Washington chỉ vì muốn phản đối những hành động của Nga tại Ucraina, nhất là vụ Nga sát nhập Crưm, thì rõ ràng là chưa đủ, bởi các biện pháp trừng phạt Nga vẫn tiếp tục sau khi Tổng thống Obama đã có được mối liên hệ ngày càng chặt chẽ với chính quyền Kiev. Còn nếu nói Washington muốn thay đổi lãnh đạo Điện Kremlin thì quá thiếu hiện thực, bằng chứng là chỉ số ủng hộ Tổng thống Putin của người dân Nga sau cả năm 2014 khốn khó đã vượt ngưỡng 80%, hơn cả trước lúc bầu cử năm 2012.
Tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf (ngày 13-5-2015) về chuyến đi của Ngoại trưởng Kerry “là một phần trong nỗ lực mà Washington đang theo đuổi nhằm duy trì hình thức liên hệ trực tiếp với các lãnh đạo cấp cao của Nga và nhằm bảo đảm rằng các lập trường của Mỹ được truyền đạt một cách rõ ràng” cho thấy, mục đích của Nhà Trắng có tính tổng thể và chiến lược hơn - đó là tìm cách ngăn chặn đà tiến của nước Nga. Nếu vậy, có lẽ những chuyến công du của giới chức ngoại giao Mỹ chỉ là sự thay đổi cách thức đạt được mục tiêu mà thôi.
Câu chuyện của Nhà Trắng trở nên phức tạp hơn bởi ngay sau đó, ngày 16 và 17-5-2015, Ngoại trưởng J. Kerry lại có chuyến công du tới Bắc Kinh. Khác với cách đối thoại cùng Tổng thống Nga Putin, và cũng khác với cả năm lần tới Bắc Kinh trước đó, thông điệp lần này của Ngoại trưởng Kerry trong quá trình hội đàm với chủ tịch Tập Cận Bình tỏ ra cứng rắn hơn nhiều. Ông Kerry hối thúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần có những hành động nhằm giảm căng thẳng trên Biển Đông như một sự chuẩn bị cho cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ – Trung vào tháng 6 tới tại Washington, cũng như chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9-2015. Như để minh chứng cho thông điệp này, cùng thời điểm của chuyến thăm, Washington đã điều máy bay chiến đấu cùng với phóng viên của hãng CNN tới khu vực 12 hải lý của các đảo đá tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, mà Trung Quốc đang tiến hành cải tạo.
Có lẽ phải đặt cả hai chuyến công du của Ngoại trưởng J. Kerry trong bối cảnh của cuộc tập trận chung Nga – Trung trên biển Địa Trung Hải (từ ngày 1 đến 21-5-2015) mới giúp chúng ta lý giải được mục đích thực sự của Nhà Trắng. Đối đầu Nga – phương Tây chỉ là liều thuốc kích thích cho sự gia tăng liên kết giữa hai cường quốc mới nổi Nga và Trung Quốc. Những liên quan của Nga tới cuộc khủng hoảng Ucraina cũng như Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Biển Đông, rõ ràng đều đụng chạm tới lợi ích của Washington. Chính vì thế, khi mà liên kết Nga – Trung đã có những biểu hiện mới, đương nhiên chính quyền Obama còn phải thêm một nhiệm vụ khẩn cấp là tìm cách phân tách hai cường quốc này.
Như vậy, sẽ là hợp lý hơn cả khi cho rằng, sự thay đổi cách ứng xử của Nhà Trắng đối với cả Nga và Trung Quốc là hướng tới cả hai mục tiêu là đổi cách và phân tách.
Link Truy Cập Mask Carnival Entertainment