EU: Tương lai sau 60 năm tồn tại

|

NDO - NDĐT - Đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 60, Liên hiệp châu Âu (EU) lại phải đối mặt với câu hỏi ở mức độ gay gắt nhất về tương lai.

Thực tế thì cũng giống như các tổ chức liên chính phủ khác, kể từ thời điểm ra đời (ngày 25-3-1957, theo Hiệp ước Roma với sáu thành viên ban đầu gồm Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg) đến nay, Cộng đồng kinh tế châu Âu (từ năm 1967, sau khi sáp nhập trở thành Cộng đồng châu Âu - tiền thân của EU) không ít lần đã phải xử lý vấn đề về đường hướng phát triển của khối. Năm 1973, để đối phó với các cuộc khủng hoảng năng lượng, tiền tệ và nhất là sự cạnh tranh của Mỹ và Nhật Bản, Cộng đồng châu Âu đã quyết định mở rộng thành viên lần thứ nhất, đặc biệt là việc chấp nhận ??ơn xin gia nhập lần thứ ba của Vương quốc Anh. Năm 1978, để ổn định tiền tệ của khối và nhằm đối phó với sự bất ổn của đồng đô-la và đồng yên, Cộng đồng châu Âu đã cho ra đời hệ thống tiền tệ châu Âu (EMS thực chất là một dạng Liên minh tiền tệ) và đồng ECU (European Currency Unit). Để thích nghi với bối cảnh hậu Chiến tranh lạnh, Cộng đồng châu Âu đã có những thay đổi hết sức quan trọng hướng tới nhất thể hóa: từ Hiệp ước Schengen năm 1990 (về xóa bỏ đường biên giới) đến Hiệp ước Maastricht năm 1992 (Cộng đồng châu Âu trở thành EU), từ thành lập Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) năm 1993 với nhiệm vụ thiết lập Liên minh tiền tệ châu Âu (EMU) và đồng tiền chung euro đến mở rộng thành viên lên 28 quốc gia,...

Những tưởng sau khi đạt được Hiệp ước Lisbon (có thể coi là Hiến pháp của EU) vào năm 2009, con tàu EU sẽ băng băng trên lộ trình nhất thể hóa để tiến tới đích “ngôi nhà chung châu Âu” thì bất ngờ phải chựng lại bởi hàng loạt chướng ngại mới xuất hiện.

Trong suốt 60 năm tồn tại, có lẽ chưa bao giờ EU phải đối phó cùng lúc nhiều vấn đề như vào thời điểm hiện tại. Bắt đầu là cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng euro (eurozone) với xuất phát điểm Hy Lạp vào đầu năm 2010. Kể từ năm 2014, EU rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất, năm sau khó hơn năm trước: hết vướng vào cuộc nội chiến tại Ucraina lại phải đối phó với cuộc khủng hoảng di cư và vấn nạn khủng bố và đỉnh điểm là lá thư của Thủ tướng Anh Theresa May gửi các nhà lãnh đạo EU về việc kích hoạt tiến trình nước Anh rời khỏi EU (Brexit) ngày 29-3-2017.

Quan ngại hơn, hầu hết các vấn đề này và quá trình giải quyết chúng đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ cấu trúc của ngôi nhà chung châu Âu.

Trong bối cảnh đang lâm vào khủng hoảng kinh tế, cuộc khủng hoảng nợ công không những khiến nguồn lực tài chính của EU bị hao mòn nghiêm trọng do phải chu cấp các gói cứu trợ cho những con nợ gần như mất khả năng thanh toán như Hy Lạp mà còn đặt eurozone trước nguy cơ tan vỡ. Mâu thuẫn giữa các thành viên EU trở nên gay gắt hơn trong quá trình xử lý vấn đề nợ công Hy Lạp, đặc biệt là giữa hai nhóm theo chính sách “thắt lưng buộc bụng” và “tập trung kích thích tăng trưởng”. Cuộc khủng hoảng nợ công còn chỉ ra những khiếm khuyết cần sửa chữa gấp trong mô hình quản lý vĩ mô của EU, đơn cử như EU hầu như đã chẳng có giải pháp hiệu quả nào giám sát việc thực hiện tiêu chí “tỷ lệ lạm phát dưới 3% GDP và nợ quốc gia không quá 60% GDP” đối với 19 thành viên eurozone.

Chưa kịp dung hòa những mâu thuẫn chung quanh vấn đề nợ công của Hy Lạp thì bất đồng trong EU lại bùng phát khi cuộc khoảng người di cư ập tới. Việc phải tiếp nhận một số lượng lớn người nhập cư trái phép đã khiến tình hình chính trị-xã hội tại nhiều nước EU trở nên bất ổn, đồng thời cũng đào sâu thêm những khác biệt trong chính sách tiếp nhận người di cư của các thành viên EU. Các biện pháp thắt chặt biên giới chủ yếu nhằm đối phó với dòng người nhập cư của Hungaria, Séc, Áo, Đan Mạch,… nhưng cũng có thể khiến hiệp ước Schengen và cả những giá trị có tính chất tôn chỉ của EU như dân chủ, nhân đạo mất hiệu lực. Chính sách áp đặt chỉ tiêu tiếp nhận người di cư của Brussels cho thấy một bất cập nữa của EU trong quản lý vĩ mô trước những khác biệt về trình độ phát triển của các thành viên.

Quyết định rời bỏ EU của nước Anh (Brexit) sau 43 năm gắn bó mới thực sự khiến EU bị x??o trộn ghê gớm về mọi mặt. Anh là một trong tứ trụ của EU với đóng góp ròng hàng năm khoảng từ 8-10 tỷ bảng, 53% nhập khẩu của Anh là từ EU. Anh cũng là một trong bốn thành viên châu Âu của NATO có ngân sách quốc phòng hơn 2%/năm, vì thế Brexit đương nhiên sẽ khiến EU mất đi một chỗ dựa quan trọng trên cả phương diện kinh tế lẫn an ninh. Brexit còn gây nên những xáo trộn khó tránh tại các thể chế chính trị của EU, như Nghị viện châu Âu hay Hội đồng châu Âu, đồng thời còn kích hoạt những tư tưởng cực hữu bài EU. Tổng thể, Brexit khiến lộ trình nhất thể hóa theo hiệp ước Lisbon của EU bị đảo lộn hoàn toàn. Khi tham gia vào một tổ chức hay liên kết quốc tế, quốc gia nào cũng hy vọng sẽ thu lượm được những lợi ích phục vụ cho mục tiêu an ninh và phát triển của mình, vì thế Brexit buộc các nhà lãnh đạo EU phải xem lại toàn bộ mô hình liên kết theo kiểu “một siêu nhà nước”.

Tựu chung lại, tất cả những vấn đề mà EU hiện đang phải đối phó đều dẫn tới một nút thắt cuối cùng - chủ quyền quốc gia trong một tổ chức quốc tế, cách thức tháo gỡ nó sẽ có ý nghĩa rất lớn tới tương lai của EU.

Vào thời điểm hiện tại, EU khó có thể tan rã bởi các nước thành viên đều có chung nhận thức về sự cần thiết phải tiếp tục gắn bó mới có thể đối phó được với những nguy cơ. Hơn thế, tuyên bố “Quyết tâm làm cho liên minh trở nên mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn thông qua sự thống nhất và đoàn kết” của 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên EU tại buổi lễ mừng sinh nhật lần thứ 60 (25-3-2017, tại Rome, Italia), cùng với Nghị quyết xác định các nguyên tắc và điều kiện chính để thông qua thỏa thuận về Brexit được Nghị viện châu Âu thông qua hôm 4-4-2017, có thể hiểu chính là thông điệp “Chúng tôi đã sẵn sàng tháo gỡ nút thắt này” mà các nhà lãnh đạo EU muốn gửi tới cộng đồng quốc tế. Cũng chính tại buổi lễ kỷ niệm này, các nhà lãnh đạo EU đã hé mở về cách thức tháo gỡ nút thắt này. Quyết định EU sẽ phát triển theo mô hình “một châu Âu đa tốc độ” có lẽ là hướng giải quyết hợp lý nhất bởi nó tôn trọng sự đa dạng, trên hết tôn trọng chủ quyền của từng thành viên. Thống nhất trong đa dạng là điểm khởi đầu có lẽ là phù hợp cho mọi tổ chức quốc tế, kể cả EU.

Tất nhiên, tương lai cụ thể của EU thế nào còn cần phải chờ đợi, bởi vào thời điểm hiện tại vẫn còn quá nhiều câu hỏi liên quan chưa có câu trả lời. Nhưng bằng kinh nghiệm vượt khó trong suốt 60 năm qua cùng với quyết tâm hiện có, chắc chắn con tàu EU sẽ vượt qua được những chướng ngại để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Link truy cập trang trại số 7