Đặc trưng văn hóa cộng đồng thị xã Vĩnh Châu là người Kinh, Khmer, Hoa sinh sống đan xen và có truyền thống đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống. Ðặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, các dân tộc đều chung vui đón xuân và thể hiện lòng tri ân với Ðảng và Nhà nước đã chăm lo cuộc sống cho đồng bào.Trong không khí đón xuân mới, Hội Ðoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cùng Ban quản trị chùa Ðay Ta Pay ở ấp Ðại Bái, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu tổ chức lễ khánh thành kiết giới sây ma ngôi chánh điện mới của chùa. Ngôi chánh điện có chiều dài 28 m, rộng 17 m, với tổng kinh phí xây dựng hơn 7,7 tỷ đồng, do bà con phật tử gần xa đóng góp. Hòa thượng Thạch Huôn, Phó Hội trưởng Hội Ðoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh cho biết, chánh điện là nơi thiêng liêng thờ Ðức Phật Thích Ca, vì vậy công trình có kiến trúc đặc sắc, lộng lẫy và nổi bật nhất. Ðáng chú ý, chánh điện chùa Ðay Ta Pay hoàn thành đúng vào dịp Tết Nguyên đán càng nhân đôi niềm vui cho cộng đồng các DTTS trên địa bàn. Cảm ơn công đức của Ðảng, các vị chư tăng và bà con phật tử càng cố gắng tu hành và chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Thời gian qua, Ðảng bộ và chính quyền thị xã Vĩnh Châu luôn quan tâm tạo điều kiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào DTTS trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu Sơn Ngọc Thạch cho biết: Các lễ hội của đồng bào luôn được phát huy đúng theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cùng đó, địa phương luôn triển khai thực hiện tốt các chính sách của Ðảng và Nhà nước chăm lo cho đồng bào DTTS. Từ một địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn, đến nay Vĩnh Châu đã trở thành một thị xã ven biển sung túc, khang trang. Các xã, phường có đông đồng bào DTTS đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế, đường ô-tô đến tận xã, 98% số người DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh và tỷ lệ có điện sử dụng đạt hơn 99%. Tỷ lệ thoát nghèo hằng năm đều giảm từ 3% đến 4%. Ðồng bào DTTS đặc biệt khó khăn được Nhà nước hỗ trợ vốn, cấp thẻ bảo hiểm y tế và các chính sách an sinh xã hội khác…
Anh Trương Phol, ngụ xã Ðại Tâm, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ, ngày Tết các chùa Phật giáo Khmer Nam tông luôn mở cửa đón phật tử và du khách đến lễ bái, cầu nguyện. Những ngày này, mọi người còn được nghe các hòa thượng khai thị thuyết pháp, dạy thực hành chánh pháp tốt đạo, đẹp đời. Những năm qua, nhờ được Ðảng và Nhà nước giúp đỡ, đồng bào Khmer luôn cố gắng làm ăn, kinh tế khấm khá, gia đình hạnh phúc cho nên ai cũng nhớ ơn, cùng bảo nhau thắt chặt tình đoàn kết, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn an ninh phum sóc, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu làm hại lợi ích chung của quê hương, đất nước.
Nhân dịp năm mới, các ban hội người Hoa ở Sóc Trăng tổ chức tặng gạo người nghèo, cơ nhỡ, trao học bổng tặng học sinh có thành tích học tập tốt, nhằm cổ vũ tinh thần cố gắng của thế hệ trẻ, động viên con cháu nỗ lực trên con đường học tập. Trong văn hóa người Hoa, việc thực hiện phương châm “tích cốc phòng cơ - dưỡng nhi đãi lão” đã trở thành nét văn hóa riêng, giáo dục các thế hệ về tính tiết kiệm, siêng năng lao động, hiếu thuận với cha mẹ, ông bà. Ðó là nét văn hóa được trao truyền cho con cháu trong những ngày xuân mới.
Trong quá trình chung sống trên mảnh đất Sóc Trăng, cộng đồng người Hoa đã tiếp nhận văn hóa Việt một cách tự nhiên cho nên Tết Nguyên đán của họ cũng có bánh tét, thịt kho bên cạnh những món ăn truyền thống. Ngoài ra, họ cũng đi chùa lễ Phật và đến các miếu thờ Quan Công, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Bà Hỏa… cầu nguyện trong những ngày đầu năm. Ông Trương Cường, thành viên Ban quản trị Hỏa đức Thánh mẫu miếu, thành phố Sóc Trăng tất bật đón khách đến cúng Bà. Ông Cường cho biết, đó là phong tục đặc trưng của người Hoa Sóc Trăng, họ đến cầu nguyện những điều tốt đẹp cho năm mới và cúng trả lễ Bà đã phù hộ những điều mình đã mong ước trong năm cũ. Tại các chùa, người Hoa tích cực góp tiền gây quỹ từ thiện với quan niệm đầu năm làm phúc, cả năm an lành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng nhận định, trong năm qua, thực hiện chính sách của Ðảng và Nhà nước chăm lo cho đồng bào DTTS, toàn tỉnh đã có 11.368 hộ thoát nghèo, số hộ nghèo hiện chỉ còn 15.890 hộ, chiếm 4,91% tổng số hộ. Năm 2019, tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, sáu phường đạt chuẩn văn minh đô thị; có 722 trong số 775 khóm, ấp được công nhận giữ vững danh hiệu khóm, ấp văn hóa. Bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS được giữ gìn và phát huy. Các thiết chế văn hóa trong vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư xây dựng. Ðến nay, tỉnh có 14 di tích của đồng bào DTTS, trong đó có 10 di tích của dân tộc Khmer và bốn di tích dân tộc Hoa; hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. “Các chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS, nhất là chính sách giảm nghèo bền vững trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư. Qua đó cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nhất là đối tượng người DTTS vùng sâu, người nghèo, góp phần tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hùng khẳng định.