Buồng được bố trí bên trái cửa chính, ngay cạnh một bếp lửa hầu như không bao giờ tắt. Phía trong buồng thiêng có một bàn thờ (người Mã Liềng gọi là "Chà bài"). Trên "Chà bài" đặt một bát hương và “Ma nộ”.
Già làng Cao Văn Ngụ giải thích, trước đây, khi còn sống du canh du cư, những người đàn ông Mã Liềng luôn đeo “Ma nộ” bên mình và xem như là một chiếc bùa hộ mệnh để bảo vệ các thành viên trong gia đình trên hành trình tìm đất sống và săn bắt động vật làm nguồn thực phẩm. Vì vậy, “Ma nộ” với người Mã Liềng được xem là vật biểu hiện của sức mạnh, phương tiện phục vụ đắc lực cho việc mưu sinh, bảo vệ bản thân, làng bản...
Theo già Cao Văn Ngụ, từ khi cuộc sống của bà con được an cư và Nhà nước ban hành quy định cấm săn bắt động vật rừng trái phép, chiếc “Ma nộ” rất ít khi được bà con đưa ra sử dụng trong đời sống hằng ngày. Vì thế, “Ma nộ” được đặt cố định trên "Chà bài" trong “Buồng thiêng” để thờ cúng. Dù không dùng tới, nhưng do đã trở thành vật linh thiêng của mỗi gia đình, cho nên đến nay, bất cứ người đàn ông Mã Liềng nào khi đến tuổi trưởng thành cũng phải tự tay mình làm một bộ “Ma nộ” và giữ nó đến cuối đời.
Theo ông Cao Văn Dụng, Trưởng bản Kè, xã Lâm Hóa thì để làm được một “Ma nộ”, trước hết người đàn ông phải cất công vào rừng tìm cho được một cây gỗ tốt, thường là gỗ táu. Dây của “Ma nộ” chủ yếu làm từ vỏ cây si, chẻ ra rồi phơi khô, sau đó bện xoắn lại để thêm phần dẻo dai. Còn với mũi tên thì được làm bằng cây tro hoặc cây cọ rừng. Tất cả nguyên liệu đó tạo nên một bộ “Ma nộ” chắc chắn, thon gọn, khi giương cung lên tạo nên lực bắn mạnh mẽ, đẩy mũi tên bay xa.
Những ngày đầu xuân 2018, bản Kè vui như hội, bởi năm nay được mùa lúa, ngô, lạc. Bản lại được Nhà nước hỗ trợ xây dựng thêm 17 nhà sàn mới cho đồng bào các dân tộc đang gặp khó khăn. Trưởng bản Kè Cao Văn Dụng vui vẻ chia sẻ: Dịp Tết vừa qua, bà con dân bản tới nhà chúc đại gia đình cho nên ông mổ lợn, nấu thêm gà, xôi. Trước là dâng cúng “Ma nộ” để mong phù hộ sức khỏe, mưa thuận gió hòa, sau là liên hoan cả bản mong một năm ngô lúa tốt tươi, đủ ăn, đủ mặc.