Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Sơn Hà

|

Năm 2017, huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhờ phát triển kinh tế bước đầu đúng hướng, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) áp dụng mô hình chăn nuôi, trồng trọt trên đất gò đồi và sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn đã cho năng suất, sản lượng tăng gấp hai lần so với những năm trước. Đề án góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

Chủ trương hợp lòng dân

Huyện Sơn Hà đang triển khai nhiều mô hình kinh tế, tập trung khai thác tiềm năng đất đai, lao động sẵn có và chuyển dịch cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ đồng bào mạnh dạn vay vốn đầu tư trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, đồng thời liên kết với doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết: Năm 2017, huyện đã có chủ trương đầu tư mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, gắn với phát triển kinh tế rừng. Đây là bước đột phá căn bản, mở hướng giảm nghèo cho người dân. Huyện quy hoạch phát triển ngành nông, lâm nghiệp và nông thôn phù hợp với từng vùng theo hướng tập trung sản xuất cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp và duy trì diện tích, tăng năng suất ba loại cây mũi nhọn của huyện, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020.

Đặc biệt, các xã vùng cao, vùng khó khăn có đông đồng bào DTTS được huyện ưu tiên bố trí nguồn vốn, bảo đảm “dồn điền, đổi thửa”, cải tạo đất và chuyển dịch cây trồng, vật nuôi sao cho hiệu quả. Từ chủ trương hợp lòng dân, nhiều xã trên địa bàn huyện Sơn Hà đã thực hiện quy hoạch lại đất đai, bố trí vùng sản xuất. Nhiều hộ đồng bào trước đây sản xuất manh mún, chủ yếu “tự cung tự cấp”, nay đã tích tụ ruộng đất, đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa với những cánh đồng mẫu lớn và trang trại có hiệu quả. Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên triển khai tại huyện Sơn Hà đã được nhiều hộ đồng bào DTTS tham gia đạt hiệu quả cao. Dự án đã triển khai tại 36 thôn, thuộc các xã Sơn Nham, Sơn Thành, Sơn Linh, Sơn Cao, Sơn Kỳ. Đây là các xã đặc biệt khó khăn, có nhiều đồng bào DTTS, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm gần 46%. Đặc biệt, các mô hình sản xuất lúa nước, bắp, nuôi gà thả vườn, nuôi bò sinh sản, dê, cá nước ngọt, trồng nấm, chuối, nghệ vàng… đã mang lại hiệu quả, góp phần phát triển mạnh kinh tế hộ và ổn định cuộc sống gia đình”.

Hiệu quả từ những mô hình sản xuất

Hiện nay, nhiều hộ đồng bào DTTS ở huyện miền núi Sơn Hà đang tập trung đầu tư mô hình trồng rừng, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm trên đất đồi gò đã cho thu nhập khá cao. Nhiều cánh đồng mẫu lớn trồng lúa nước và rau an toàn xuất hiện ngày càng nhiều. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phùng Tô Long thì năm 2017, huyện thực hiện khá thành công trong sản xuất nông nghiệp. Sơn Hà đã tổ chức liên kết với doanh nghiệp để sản xuất quy mô lớn và tiêu thụ hàng hóa của nông dân. Nhiều sản phẩm nông nghiệp do đồng bào làm ra đã đưa ra thị trường, siêu thị, được người tiêu dùng chấp nhận. Các xã vùng cao, vùng khó khăn đã tiến hành quy hoạch, cải tạo hơn 20 ha đất sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn với các giống măng tây xanh, rau ăn lá, củ quả các loại.

Huyện đã hình thành hợp tác xã nông nghiệp và nhóm hộ sản xuất hữu cơ với 12 thành viên tham gia. Bước đầu đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục hộ dân ở vùng khó khăn. Hiện nhiều hộ đồng bào đầu tư mô hình khuyến nông, khuyến lâm có hiệu quả như: mô hình trồng mía tập trung trên đất đồi gò tại thôn Làng Gon, xã Sơn Thủy; trồng măng tây xanh tại xã Sơn Trung; sản xuất lúa nước trên cánh đồng mẫu lớn trong vụ đông xuân vừa qua ở xã Sơn Cao với năng suất đạt hơn 58 tạ/ha; nhiều hộ đã đầu tư mô hình trồng cây ăn quả tập trung bằng các loại giống mới có năng suất cao như: trồng dừa xiêm lùn tại thôn Ka La, xã Sơn Linh, quy mô khoảng 8,3 ha với kinh phí thực hiện 600 triệu đồng; trồng bưởi da xanh và mít Thái-lan tại thôn Làng Trá, xã Sơn Cao, diện tích 2 ha, kinh phí 500 triệu đồng, mô hình trồng bơ tại xã Sơn Thủy với diện tích 2,5 ha. Nhiều xã hiện nay đang phát triển mạnh mô hình nuôi bò cái lai sin mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi gà thả vườn của gia đình chị Đinh Thị Giấy ở xã Sơn Trung quây lưới B40 quanh vườn rộng chừng 200m2 để nuôi gà. Giữa khuôn viên ấy là một “ngôi nhà sàn nhỏ” bằng gỗ, để làm chỗ cho bầy gà ngủ và đẻ trứng. Chị Giấy chia sẻ: “Gà Mông, gà ta dễ nuôi lắm, không tốn nhiều thời gian. Mình có thể tận dụng lúc rảnh rỗi để cho ăn. Đến định kỳ thì tiêm chủng, khi chuyển mùa, thời tiết thay đổi thì tăng cường thêm một số loại thức ăn để gà khỏe. Năm rồi, gia đình đầu tư khoảng mười triệu đồng, nuôi hơn 100 con gà ta với giá thị trường ổn định, mang lại thu nhập hơn 30 triệu đồng…”.

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững làm tiền đề xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện miền núi Sơn Hà trong năm qua. Đây cũng là huyện miền núi duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018-2020.

trò chơi thăm dò điện tử