Trong những dịp này, nhạc cụ chính trong lễ hội phải kể đến bộ ba nhạc cụ trống Ghi-năng, kèn Sa-ra-nai và trống Pa-ra-nưng với thanh âm rộn ràng đã trở thành niềm tự hào của đồng bào Chăm.
Đây không chỉ là nhạc cụ mang lại thanh âm, giai điệu độc đáo, cuốn hút mà theo quan niệm của người Chăm, những nhạc cụ này còn có sự liên kết với nhau, tượng trưng cho thân thể của một con người. Đôi trống Ghi-năng tượng trưng cho hai chân vững chắc của con người, là nhạc cụ định âm trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt của người Chăm; trống Pa-ra-nưng tượng trưng cho phần thân thể, biểu hiện cái tâm bên trong của con người. Trống Pa-ra-nưng vừa là nhạc cụ, vừa là vật tổ của Mu Tuần, người đảm nhiệm việc cúng tế, lễ hội tín ngưỡng dân gian cho cả làng Chăm. Khi chơi trống, những ông Mu Tuần đặt trống trước bụng, vành trống tì vào đùi, dùng các ngón tay vỗ vào mặt trống để tạo ra những âm thanh vang rền, trầm bổng khác nhau. Sự kết hợp giữa các nhạc cụ khác cùng với trống Pa-ra-nưng đã tạo ra những bài ca nghi lễ, những làn điệu dân ca, những bài hát ru... ăn sâu vào tâm hồn của mỗi người Chăm ngay từ tấm bé, đem lại một sức sống mãnh liệt cho các sinh hoạt của cộng đồng người Chăm.
Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Phú Bình Đồn là người duy nhất ở thôn Vụ Bổn, thuộc xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam biết chế tác, biểu diễn thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm. Đã thành thông lệ, trước khi mang bộ nhạc cụ của tổ tiên ra gõ, ông lại lau chùi cẩn thận và làm một nghi lễ đơn giản, thành kính xin phép ông, bà, tổ tiên… sau đó mới sử dụng. Từ năm 16 tuổi, ông đã phụ giúp cha là nghệ nhân Phú Lộc làm trống Ghi-năng, Pa-ra-nưng và kèn Sa-ra-nai. Sau hơn mười năm say mê học nghề do cha truyền dạy, không chỉ trở thành nhạc công của làng, của huyện, ông còn học ngón diễn của các nghệ nhân Trượng Tốn ở thôn Hữu Đức và Từ Văn Thành ở thôn Phước Đồng. Giờ đây, làng xa xóm gần ai cần làm mới hoặc chỉnh sửa trống Ghi-năng, Pa-ra-nưng, kèn Sa-ra-nai, đàn ca nhi đều tìm đến Nghệ nhân Phú Bình Đồn...
Nghệ nhân Phú Bình Đồn cho biết thêm, làm một chiếc trống Pa-ra-nưng khá kỳ công, phải mất tới sáu, bảy ngày. Đối với người Chăm, những nhạc cụ truyền thống như trống Pa-ra-nưng là một vật chứng linh thiêng trong những mùa lễ hội. Hiện nay, những người từng được ông truyền dạy, đã trở thành nhạc công phục vụ lễ hội Ka-tê, đám cúng “chà và” và tham gia hoạt động văn nghệ địa phương. Nghệ nhân Phú Bình Đồn giờ đã cao tuổi, nhưng với tâm huyết của mình, ông vẫn âm thầm gìn giữ truyền thống của dân tộc Chăm, không để nét văn hóa độc đáo ấy bị mai một, rơi vào quên lãng...
Trong lễ hội Ka-tê hôm nay, bà con người Chăm ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Hữu (Ninh Thuận) qua lời ca, tiếng hát cùng tiếng trống Pa-ra-nưng truyền thống dâng lên các thần linh, ai nấy đều thành tâm cầu mong một năm bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng ấm no, hạnh phúc…