Để "lửa then" luôn tỏa sáng

|

Hát then, đàn tính là một loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái... ở các tỉnh miền núi phía bắc, nhất là vùng đông bắc như: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn... Loại hình dân ca này có từ rất lâu đời, là hơi thở, lẽ sống và là món ăn tinh thần của cộng đồng các dân tộc.

Dù đã ở tuổi 96, nhưng Nghệ nhân ưu tú Mỗ Thị Kịt, ở thôn Ngọc Trí, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia (Lạng Sơn), thường ngày vẫn cùng cây đàn tính đi khắp bản trên, xóm dưới hát cho mọi người nghe trong dịp mừng nhà mới, sinh nhật hay cầu an... Tiếng đàn tính của cụ có sức lôi cuốn kỳ lạ, thu hút mọi lứa tuổi. Cụ Mỗ Thị Kịt cho biết, cụ sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Bình Gia, nơi được coi là cái nôi hát then của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng. Thời trẻ, cụ đã được nghe những làn điệu dân ca ngọt ngào và những ngón đàn điêu luyện của các bà then. Khi lớn lên, về làm dâu họ Nông, cụ lại được mẹ chồng truyền dạy những bài then cầu bình an, chúc thọ, mừng nhà mới, giải hạn, an ủi người ốm, động viên người gặp nạn…

Chị Lương Thị Nhung (33 tuổi), ở thôn Phai Danh, xã Hoàng Văn Thụ (Bình Gia) được cụ Mỗ Thị Kịt thu nhận làm học trò chia sẻ: "Đồng bào các dân tộc nơi đây vô cùng tự hào và mến phục tiếng đàn, lời ca của Nghệ nhân ưu tú Mỗ Thị Kịt. Không chỉ ở xã, huyện mà ngay cả trong tỉnh, khi nói về hát then, đàn tính là mọi người nhắc đến tên cụ với lòng thành kính, coi cụ là "cây đa cổ thụ" về hát then. Hiện nay, cụ Mỗ Thị Kịt còn nhớ được nhiều làn điệu then cổ, thuộc lòng hàng vạn câu then. Cụ đã truyền dạy cho 12 học trò đạt trình độ đẳng cấp cao (thầy của các thầy hát then). Ngoài ra, cụ còn truyền dạy cho hàng trăm học trò ở một số huyện trong tỉnh như: Văn Quan, Bắc Sơn... Dù đã gần 100 tuổi, nhưng hễ gia đình nào mời đến hát then là cụ Mỗ Thị Kịt lại lên đường, không quản đường xa, khó nhọc. Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, cụ thường tổ chức Lẩu then (Hội then) tại nhà. Đây là dịp gặp gỡ hội tụ nhiều lứa tuổi về sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tâm linh. Các bậc cao niên đến đây để ôn lại những kỷ niệm xưa còn các nam thanh, nữ tú thì coi đây là dịp gặp gỡ, giao lưu trò chuyện, tâm tình. Mỗi dịp như vậy, bà con bản trên, xóm dưới lại kéo đến say sưa nghe hát then.

Chi hội trưởng Chi hội dân ca huyện Bình Gia Nông Thị Phượng, là con gái cụ Mỗ Thị Kịt kể về người mẹ, cũng là người thầy dạy hát then cho mình: "Suốt cuộc đời hát then, mẹ tôi luôn tận tình, hướng dẫn, truyền dạy cho các học trò của mình những bài then cổ. Lời hát then rất mộc mạc dễ nhớ, bằng những câu ca dao quen thuộc, là lời ăn tiếng nói hằng ngày, là đối nhân xử thế..., cho nên chỉ cần nhắc qua một lần là thuộc". Bà Phượng cho biết thêm, là giáo viên về hưu hơn 10 năm nay, nhưng do đam mê hát then, đàn tính lại được mẹ truyền dạy và được các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm động viên, bà đã mạnh dạn đứng ra đảm nhận Chi hội trưởng Chi hội dân ca của huyện. Câu lạc bộ hiện nay quy tập hàng trăm hội viên thuộc nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Kinh, Mông… và đủ mọi lứa tuổi từ 10 đến 65 tuổi đang sinh sống ở các xã Tân Văn, Tô Hiệu và thị trấn Bình Gia...

Với niềm đam mê hát then, đàn tính, cho nên đã về hưu gần 10 năm nay, nhưng hầu như ngày nào, Nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên, quê ở xã Tân Văn (Bình Gia) vẫn tất bật đi dạy hát then, đàn tính ở các câu lạc bộ tại nhiều địa phương trong tỉnh và cả các tỉnh bạn như: Bắc Giang, Bắc Cạn... Nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên chia sẻ: Từ năm 2009, Câu lạc bộ đàn và hát dân ca của tỉnh được thành lập, bà làm Chủ nhiệm câu lạc bộ. Lúc đầu chỉ có 12 người yêu thích hát then, đàn tính, nay câu lạc bộ đã lên tới hàng trăm hội viên thuộc nhiều dân tộc Tày, Nùng, Thái, Kinh, Dao... với nhiều lứa tuổi, trẻ nhất là 16, người cao tuổi nhất đến 76 tuổi. Câu lạc bộ của tỉnh ra đời là trụ cột cho việc thành lập liên tiếp mười câu lạc bộ ở các huyện và thành phố. Nhờ đó, các câu lạc bộ ở các địa phương đã thu hút hàng nghìn người yêu thích tới sinh hoạt. Các câu lạc bộ ở cơ sở thường xuyên mở các lớp truyền dạy kỹ năng đàn và hát then vào các buổi tối, thu hút nhiều người tới học tại các nhà văn hóa thôn, bản, khối phố. Thông qua các lớp học, câu lạc bộ đã tìm tòi sưu tầm được 20 bài then cổ có nguy cơ mai một. Ngoài công việc truyền dạy hát dân ca, đàn tính, các thành viên câu lạc bộ còn thường xuyên đem lời ca tiếng hát đến với các buổi giao lưu văn nghệ trong các ngày hội, ngày lễ, tham gia các hội diễn từ cấp cơ sở cho đến khu vực, đem lại nhiều giải thưởng, được đánh giá cao. Phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở ngày càng được phát triển, mở rộng và được quan tâm.

Cùng với sự ra đời của Câu lạc bộ đàn và hát dân ca, từ năm 2010, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn cũng đã được thành lập. Chủ tịch Hội Vi Hồng Nhân cho biết, đến nay, Hội đã tập hợp và phát thẻ cho hơn 600 hội viên. Các huyện đều thành lập được chi hội và có hơn 100 câu lạc bộ ở cơ sở. Các câu lạc bộ thường xuyên tổ chức những cuộc giao lưu, giới thiệu các làn điệu hát then đặc sắc, trong dịp các ngày lễ hội Lồng Tồng, hay những ngày lễ kỷ niệm. Điển hình như: Ðội dân ca Nọc én (chim én) xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn, thu hút 30 học viên trẻ tuổi, xung kích, tình nguyện đưa dân ca đến phục vụ cộng đồng dân cư, giao lưu văn nghệ trong các ngày lễ hội. Với mong muốn giữ gìn, bảo tồn một loại hình dân ca đặc sắc, Trường THPT Lương Văn Tri (huyện Văn Quan) đã tổ chức mở các lớp dạy hát then, đàn tính, được các thầy giáo, cô giáo và học sinh nhiệt tình hưởng ứng. Ðây là trường đầu tiên của tỉnh đưa hát then vào giảng dạy, trở thành hoạt động văn nghệ của nhà trường.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà cho biết: "Ðể bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị độc đáo của hát then, đàn tính, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã có các biện pháp như: Tuyên truyền hát then, đàn tính trong cộng đồng, thành lập các câu lạc bộ, đưa vào trong các trường học, phục dựng, sưu tầm, tổ chức hội diễn, hội thảo làm rõ giá trị của loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc này... Ðây cũng là cơ sở để góp phần việc lập hồ sơ trình UNESCO, công nhận hát then, đàn tính là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại".

Tải game điện tử T1