Lễ hội Xăng Khan là ngày hội cộng đồng quan trọng của các bản làng dân tộc Thái, mang đậm nét văn hóa ở khu vực miền tây Nghệ An. Đây là dịp các thầy mo tạ ơn tổ tiên và các bậc tiền nhân đã dạy cách bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Lễ hội Xăng Khan là ngày vui của bản làng nói chung và họ hàng nhà các thầy mo nói riêng. Đây còn là ngày để các đôi trai gái có dịp gặp gỡ, tìm hiểu và kết duyên vợ chồng.
Lễ vật chuẩn bị cho nghi lễ Xăng Khan gồm: Thủ lợn, rượu cần, cá nướng, bát gạo, quả trứng, kiếm, chén rượu, chai rượu, trầu cau... và vật không thể thiếu trong lễ hội là cây hoa, còn gọi là xăng tang (hay boọc mạy), được làm từ thân cây tre hoặc cây nứa già, có chiều dài 4 m, được khoét nhiều lỗ chia thành nhiều tầng, nhuộm mầu xanh đỏ, tím vàng xâu lại xen kẽ lẫn nhau và trang trí đẹp mắt với nhiều hoa văn, họa tiết. Cây xăng tang là một biểu trưng quan trọng của Lễ Xăng Khan. Bên cạnh cây xăng tang còn có tháp chín tầng, được làm bằng khung nứa, chằng các sợi tơ nhiều mầu...
Để tổ chức Lễ Xăng Khan, các thầy mo cử ra một ban hành lễ, mỗi người được phân công nhiệm vụ riêng như: Thầy mo có mo chủ (làm chủ tế) và các mo bạn (làm bồi tế). Số lượng mo bạn nhiều hay ít tùy thuộc vào khả năng gia đình mo chủ mời và quy mô của cuộc lễ. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các vật phẩm, dưới sự điều hành của ông mo chủ, các thầy mo bắt đầu tiến hành nghi lễ bằng việc khấn mời các thần linh Mường trời xuống trần gian đón nhận lấy phần lộc mà người dân tặng, ăn lễ vật mà người dân mang đến.
>