Quyền con người được tôn trọng và bảo đảm

|

NDO - Năm 2021, Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả đáng biểu dương, được cộng đồng quốc thế ghi nhận trong công tác nhân quyền, nhằm bảo đảm, thực thi quyền con người trên các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cùng nhìn lại các kết quả Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. 

Quyền con người trên lĩnh vực kinh tế: Việt Nam đã tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã có những kết quả tích cực, như: tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 2,75%, bình quân trong 5 năm giai đoạn giảm khoảng 1,43%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 24%, bình quân trong 5 năm giảm 5,65%; tuy nhiên do ảnh hưởng trực tiếp nặng nề của đại dịch, dự kiến số hộ nghèo tại Việt Nam sẽ tăng.

Quốc hội Việt Nam đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời đưa ra các giải pháp đồng bộ với nội dung thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn đã được ban hành để không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, mà còn cả người lao động, cũng như đời sống và sự phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương và cả  quốc gia.

An sinh xã hội: Việt Nam đã tiếp tục chú trọng thực hiện tốt chính sách đối với người có công; bảo đảm an sinh xã hội; quan tâm chăm lo, trợ giúp các đối tượng yếu thế, nhất là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng lên, đời sống của hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội từng bước được cải thiện.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 90,7% năm 2020[1]. Các đối tượng chính sách như người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế-xã hội khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người trên 80 tuổi (năm 2020, 99% người cao tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế)… được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. Tỷ lệ trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng từ 90% năm 2016 lên 92,6% năm 2019 và ước đạt 92,8% năm 2020.

Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có các chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người lao động bị mất việc, ngừng việc, phải tạm hoãn hợp đồng lao động và tự do như việc ban hành các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (năm 2020) và 26.000 tỷ đồng (cho đến tháng 7/2021) dành cho người khó khăn vì dịch Covid-19.

Việt Nam cũng đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận, các điều kiện sống cơ bản, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng chung tay hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, tạo cơ hội học tập cho trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh.

 style="background-color:#ffffff; text-align:justify">Thay mặt ngành giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp nhận ủng hộ máy tính của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tại Lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” với mục tiêu trao cơ hội học tập cho trẻ em trên cả nước.
div>

Quyền sức khỏe, y tế: Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình đến năm 2020 đạt 73,7 tuổi, tăng so năm 2015 (73,3 tuổi).  Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được duy trì rộng khắp trong cả nước, trong đó có vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, y tế cơ sở đã có vai trò quan trọng trong cả phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính tại cộng đồng.

Chính phủ Việt Nam rất coi trọng, chủ trương bảo đảm tiêm vaccine phòng Covid-19 miễn phí cho người dân theo các đối tượng ưu tiên theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn cung của thế giới, điều kiện kinh tế hạn chế.

Chính phủ cũng thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vaccine phòng Covid-19, bảo đảm quyền y tế.