Bốn mươi mốt năm trước, khi viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào lực lượng công an nhân dân vũ trang, trong tâm tư người lính trẻ Nguyễn Hòa Văn từ miền quê Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh chỉ canh cánh một điều là được đứng trong hàng quân trùng điệp lên đường giải phóng quê hương. Được đào tạo để trở thành sĩ quan chỉ huy biên phòng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) các tỉnh Đà Nẵng, Hà Tĩnh..., hẳn anh cũng không ngờ rằng có một ngày mình lại được "chọn mặt gửi vàng", đảm trách nhiệm vụ truyền thông, tuyên truyền cho cả lực lượng.
Anh chân thành chia sẻ với tôi rằng, trước khi về Báo Biên phòng, anh chưa một ngày làm phóng viên chuyên nghiệp và "gia tài" giải thưởng nghề báo cũng rất khiêm tốn. Nhưng tiền đề đó không phải là rào cản đối với sức làm, sức nghĩ của Nguyễn Hòa Văn. Bởi sau 14 năm trên cương vị Tổng Biên tập, anh say nghề và lăn lộn với nghề không kém bất cứ một Tổng Biên tập được đào tạo bài bản nào. Khách quan mà nói, suốt hơn bốn mươi năm qua, bốn mươi năm hành trình dọc dài khắp các cung đường biên giới, cũng là bốn mươi năm hành trình từ anh lính trẻ đến vị thế của một cán bộ cao cấp, một Tổng Biên tập có uy tín, anh đã làm nên một "thương hiệu" Báo Biên Phòng trong làng báo.
Đến nay với ba ấn phẩm báo chí như Báo Biên phòng, phụ trương An ninh Biên giới và Biên phòng Điện tử, độc giả có thể tìm thấy những thông tin nóng, những bài viết mang tính chuyên sâu và phản ánh thực tiễn từ cơ sở về tình hình đất nước nói chung và khu vực biên giới nói riêng.
Báo Biên phòng, phụ trương An ninh biên giới đã được phát hành rộng rãi để về tới tận các bản làng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các đồn trạm biên phòng, được Ủy ban Dân tộc và các cơ quan quản lý báo chí đánh giá là một trong những tờ báo có nội dung tuyên truyền phù hợp với đối tượng bạn đọc, thông tin gần gũi và hữu ích. Đó cũng là lời lý giải vì sao, khi đề cập đến bất cứ một vấn đề gì liên quan đến các nội dung này, người ta thường tra từ khóa "Báo Biên phòng" để tìm kiếm thông tin trước tiên.
Trên cương vị Tổng biên tập, có cảm giác như toàn bộ quỹ thời gian của Đại tá Nguyễn Hòa Văn là dành cho sự phát triển của báo. Vừa sát sao chỉ đạo làm thực tế, trực tiếp biên tập và duyệt bài, tin các ấn phẩm, anh đồng thời rất chú tâm đến vấn đề xây dựng các bài viết chuyên đề, phóng sự chuyên sâu theo đúng tôn chỉ mục đích của tờ báo. Chưa bao giờ bạn bè, đồng đội nhận thấy ở anh một chút gì tư lợi cá nhân.
Anh luôn xác định tư tưởng rằng, khi cấp trên giao nhiệm vụ gì, tập thể phân công công việc gì, hoặc tự bản thân mình làm được gì có lợi cho tập thể thì đều phải nỗ lực hết sức để thực hiện. Lấy lời Bác mà soi rọi vào từng công việc, hành động của mình, anh thấm thía nhất bài học từ chữ “Cần” trong lời huấn thị của Hồ Chủ tịch trong ngày thành lập lực lượng BĐBP. Chữ "Cần" đã nâng bước chân anh qua bao dặm dài biên giới hay những hải trình trên sóng cả. Đó là phải cần cù với công việc, công việc gì có lợi cho dân, cho nước, cho lực lượng thì phải gắng hết sức mà làm.
Cũng chính vì luôn xác định vai trò “người thư ký của thời đại – người thư ký của lực lượng quân hàm xanh”, nên anh đòi hỏi rất khắt khe chất lượng bài viết cũng như các chương trình truyền thông của báo. Anh bảo, mỗi nhà báo không chỉ có trách nhiệm đối với tác phẩm của mình, với nhân vật, câu chuyện mà mình phản ánh mà còn là trách nhiệm đối với lực lượng và độc giả, nên càng cần phải cố gắng.
Với quân số biên chế trong lực lượng là 26 người và hơn 50 lao động hợp đồng, có thể nói báo Biên phòng mỗi ngày một hoàn thiện và trở nên phong phú, nhiều chiều có tính định hướng, dám đi vào những vấn đề nóng bỏng và mũi nhọn của cuộc sống, góp phần đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với cán bộ, chiến sĩ biên phòng và đồng bào các dân tộc. Các thế hệ phóng viên, biên tập viên của báo đã thực sự “vừa hồng vừa chuyên”, vững nghiệp vụ biên phòng và sâu nghiệp vụ báo chí, tạo nên nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng, đạt nhiều giải cao trong các giải báo chí quốc gia và cấp bộ, ngành…
Thiếu tá, nhà báo Phương Oanh, phóng viên Báo Biên phòng chia sẻ: "Qua những lần làm việc với Tổng Biên tập Hòa Văn, được anh chỉ bảo, tôi đã dần trưởng thành hơn trong nghề. Và trên hết, tôi đã được anh dạy cho một điều quan trọng rằng, con đường để trở thành người làm báo chắc chắn không phải rải đầy hoa hồng mà đó là cả một sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí có cả máu và nước mắt của những con người đam mê với từng con chữ, từng hình ảnh".
Những tưởng khi tờ báo đã ổn định và hoạt động hiệu quả, thì anh Hòa Văn có thể ung dung hưởng thụ thành quả ấy. Nhưng vị Tổng Biên tập vốn có tiếng là nhạy bén trước thời cuộc và xu thế chung của báo chí cả nước đã ngay lập tức bắt tay vào hoạt động truyền thông đa phương tiện để tạo thêm vị thế trong làng báo của tờ Biên phòng. Đồng thời cung cấp thêm cho khán giả những cái nhìn cụ thể, sinh động về người lính biên phòng và bà con các dân tộc trên biên giới hôm nay. Nhà báo Hòa Văn chưa một ngày học qua nghề báo ấy đã hăm hở bắt tay vào thực hiện hàng loạt các chương trình giao lưu truyền hình, thực hiện các loạt phim tài liệu dài kỳ về lực lượng biên phòng.
Đại tá Nguyễn Hòa Văn trò chuyện cùng già làng Hồ Ray, xã Xy, Hướng Hóa, Quảng Trị.
Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp cho biết, đại tá Nguyễn Hòa Văn là người có ý tưởng tốt và là nhà sản xuất phim rất giỏi. Hai tác phẩm “Ký sự biên phòng” và “Ký sự biển đảo” do Báo Biên phòng phối hợp với Ban Văn Nghệ đài Truyền hình Việt Nam tổ chức sản xuất dài 70 tập sau khi lên sóng đã mang đến cho khán giả cả nước những câu chuyện hấp dẫn, nêu bật được hình tượng người chiến sĩ biên phòng cũng như vẻ đẹp của non nước biên phòng, thế mạnh, tiềm năng của biển đảo quê hương và hàm chứa tính nhân văn sâu sắc. Sau nhiều năm phát sóng, hai bộ ký sự vẫn giữ nguyên vẹn được sức “nóng” của ngày đầu, vẫn chạm đến được trái tim của khán giả.
Các chương trình giao lưu nghệ thuật tường thuật trực tiếp như “Giữ mãi màu xanh biên cương” “ Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Mùa xuân hướng về vùng cao Hà Giang”, “Xuân biên cương – tình đồng đội”, “Bác Hồ với dân tộc thiểu số - các dân tộc thiểu số với Bác Hồ”, “Âm vang biên giới”, “Biên cương thắm tình hữu nghị”, "Vì những con tàu xa khơi", "Những người thắp lửa biên cương"… do Báo Biên phòng phối hợp Đài truyền hình Việt Nam, Kênh truyền hình Quốc phòng Việt nam, Truyền hình Công an Nhân dân, Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh… là những sự kiện được đánh giá là có dấu ấn chính trị đặc biệt sâu sắc cùng hiệu quả nghệ thuật cao.
Những chương trình đó đã góp phần giúp nhân dân cả nước hiểu thêm về những cống hiến lặng thầm của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giúp dân xóa đói giảm nghèo, từ đó khơi dậy ý thức bảo vệ biên giới, hướng về biên giới trong mỗi người để tạo nên một sức mạnh tổng hợp, một khối đoàn kết, sẻ chia giữa hậu phương và tiền tuyến.
Hiện nay, với vai trò là Phó chủ nhiệm chính trị BĐBP kiêm Tổng Biên tập Báo Biên phòng, ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, anh đang tích cực thực hiện hai nội dung tuyên truyền trọng điểm của lực lượng như loạt phim tài liệu sử thi “Những trang sử biên thùy” và chương trình giao lưu nghệ thuật "Biên cương Hội nhập". Loạt phim tài liệu này dự kiến sẽ được công chiếu vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước nhằm khắc họa rõ nét những cống hiến của người chiến sĩ biên phòng trong những năm tháng chiến tranh hay thời kỳ đất nước hòa bình, đồng thời biểu dương, ghi nhận sự đóng góp của đồng bào các dân tộc luôn sát cánh với BĐBP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc...
Bên cạnh đó chương trình giao lưu nghệ thuật "Biên cương hội nhập" chào mừng Đại hội Đảng toàn quân sẽ là một bức tranh sinh động về công cuộc hội nhập của đất nước hôm nay, trong đó vai trò của quân đội nhân dân và lực lượng biên phòng là điểm nhấn đầy tự hào trong tiến trình đầy hi vọng ấy.
Nhiều người bảo đại tá Nguyễn Hòa Văn "phải lòng" công việc. Còn anh thì bảo mình cần phải chạy đua với thời gian vì anh còn nhiều tâm nguyện, nhiều dự định để góp sức đưa công tác tuyên truyền tương xứng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng cũng như Bộ Tư lệnh BĐBP. Vừa kiện toàn bộ máy tổ chức chuẩn bị cho Đại hội Đảng cơ sở, vừa bận mải với các dự án truyền thông trọng điểm, anh đồng thời dành tâm huyết để tìm giải pháp ưu việt nhất cho việc thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị về xây dựng đề án hiện đại hóa Báo Biên phòng (trong đề án hiện đại hóa báo chí Quân đội) đến năm 2020. Cùng với đó là việc triển khai thực hiện đề án tự chủ theo Nghị định 43/CP của Chính phủ, tập trung ưu tiên kiện toàn, củng cố tổ chức xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ làm báo.
Trải qua 56 năm, báo Biên phòng đã trở thành một tờ báo có uy tín trong lực lượng vũ trang, trong nền báo chí cách mạng Việt Nam và là phương tiện đồng hành đi lên cùng với sự trưởng thành của lực lượng BĐBP, gắn bó chí cốt với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc ở biên giới, bờ biển, hải đảo. Nhìn vào diện mạo của tờ Báo Biên phòng ngày nay, mới thấy hết tâm huyết của các thế hệ người làm báo quân hàm xanh, trong đó đặc biệt kế đến dấu ấn đáng trân trọng của đại tá Nguyễn Hòa Văn.
Bằng tâm huyết và tài năng của mình, theo một cách rất riêng, anh đã làm sáng lên phẩm chất người chiến sĩ biên phòng, người làm báo cách mạng để những giá trị tốt đẹp đó được trường tồn và lan tỏa.
Link tải xuống Summon and Conquer