Thoát nghèo nhờ cây dược liệu

|

Quản Bạ (Hà Giang) là huyện miền núi, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng các loại cây dược liệu. Những năm qua, huyện đã nỗ lực lưu giữ, phát triển nhiều loài cây thuốc, gắn với phát triển kinh tế. Thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ là điển hình trong phát triển cây dược liệu, giúp người dân xóa nghèo ở huyện miền núi này.

Bảo tồn nguồn gien cây thuốc quý

Người dân tộc Dao ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ vẫn còn lưu giữ nhiều tri thức truyền thống về các loại cây thuốc quý. Năm 2016, Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền Việt Nam triển khai Dự án “Bảo tồn nguồn gien cây thuốc quý của người Dao” tại Hợp tác xã (HTX) cộng đồng thôn Nặm Đăm. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền Việt Nam Trần Công Khanh chia sẻ: “Thôn Nặm Đăm được chọn để triển khai dự án vì đây là vùng đất có đông người Dao sinh sống, còn lưu giữ nhiều kiến thức phong phú về các loài cây dược liệu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong phát triển cây dược liệu giúp người dân có công ăn, việc làm ổn định lâu dài. Đây cũng là vùng di sản thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, cần đặc biệt quan tâm bảo tồn các loài cây thuốc quý”.

Để bảo tồn được những bài thuốc quý, các thành viên HTX cộng đồng thôn Nặm Đăm được các chuyên gia tư vấn kỹ thuật gieo trồng, cách giữ gìn môi trường sản xuất an toàn, dược liệu phải bảo đảm không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học và hóa chất, an toàn từ ngoài đồng đến khi sử dụng và kiểm soát hoạt chất. Người dân cũng được hướng dẫn cách trồng cây thuốc tại vườn nhà và thực hành quy trình nhân giống một số loài cây thuốc.

Đến nay, HTX cộng đồng thôn Nặm Đăm đã có vườn ươm cây dược liệu rộng 3.000 m2, lưu giữ 78 loài cây thuốc, số lượng loài đang tiếp tục được bổ sung và tiến hành nhân giống bằng hạt và giâm hom một số giống cây như: bình vôi, cơm cháy, đương quy Nhật Bản, kim ngân, a-ti-sô... Với tầm quan trọng trong việc cung ứng giống dược liệu cho người dân, chính quyền địa phương đã hỗ trợ đầu tư nâng cấp vườn ươm với quy mô ngày càng lớn và hiện đại hơn. HTX cũng hợp đồng với các hộ dân trồng cây dược liệu dưới tán rừng để cung cấp nguyên liệu cho HTX.

Bên cạnh mục tiêu duy trì, bảo tồn các loài cây dược liệu, dự án còn tuyên truyền cho thế hệ trẻ ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế dựa vào nguồn thảo dược tại địa phương. Em Lý Tà Giàng, học sinh lớp 7, Trường Dân tộc bán trú trung học cơ sở Quản Bạ chia sẻ: “Sau khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, em đã nhận diện được một số cây thuốc có tại vườn nhà và một số cây dược liệu trồng ở vườn ươm. Em còn được hướng dẫn kỹ thuật nhân giống bằng gieo hạt và giâm hom, đóng bầu cây và biết được các giá trị của dược liệu”. Qua việc làm nêu trên đã góp phần hoàn thiện nhận thức của thế hệ trẻ, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên cây dược liệu truyền thống của dân tộc.

Chia sẻ lợi ích

Không chỉ bảo tồn nguồn gien cây thuốc quý, người dân Nặm Đăm còn biến những bài thuốc quý thành lợi thế phát triển kinh tế, đưa HTX cộng đồng thôn Nặm Đăm trở thành HTX đầu tiên ở tỉnh Hà Giang có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.

Giám đốc HTX cộng đồng thôn Nặm Đăm Lý Tà Dèn cho biết: “HTX thành lập năm 2014, 24 thành viên đều là các hộ dân trong thôn. Trước đây, chúng tôi chỉ phát triển trồng cây a-ti-sô và đương quy. Từ năm 2016, nhờ sự hỗ trợ của dự án và chính quyền địa phương, HTX đã xây dựng được nhà xưởng chế biến, có kênh quảng bá, bán sản phẩm dược liệu. HTX cũng vay vốn ưu đãi của tỉnh để đầu tư thêm vào sản xuất thực phẩm chức năng. Hiện nay, HTX đã sản xuất nhiều sản phẩm từ dược liệu như: cao mạnh gân, cao ích não, trà gừng, thuốc đau răng, xoa bóp, sỏi thận, cao a-ti-sô... đây là những sản phẩm được khách hàng ưa chuộng, mang về doanh thu hàng tỷ đồng một năm”.

Khi cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế, lợi ích từ phát triển dược liệu ở thôn Nặm Đăm được chia sẻ đều cho cộng đồng. Trong đó, có lợi ích cho người đi thu hái cây thuốc; lợi ích cho các hộ có diện tích rừng trồng cây dược liệu. Bên cạnh đó, vốn đầu tư ban đầu của dự án sẽ được chia làm hai phần: một phần do HTX trực tiếp quản lý; một phần chia cho Hội Phụ nữ và Hội Nông dân quản lý. Khi hoạt động của HTX sinh lãi, lãi từ các nguồn này sẽ được sử dụng để phục vụ lợi ích cộng đồng, hỗ trợ người dân nghèo.

Gắn với phát triển cây dược liệu, người dân thôn Nặm Đăm cũng đẩy mạnh hình thức du lịch cộng đồng. Hầu hết các thành viên của HTX đều tích cực quảng bá du lịch, dược liệu qua trang Facebook cá nhân, đồng thời chủ động liên hệ với các nhà nghỉ trên địa bàn để kết nối khách du lịch đến tắm lá thuốc của người dân tộc Dao. Số lượt khách du lịch đến Nặm Đăm để thưởng thức dịch vụ tắm lá thuốc ngày càng tăng. Chị Lý Thị Liềm, nhân viên khu dịch vụ tắm lá thuốc của HTX cộng đồng thôn Nặm Đăm tâm sự: “Gia đình tôi là thành viên trong HTX, bố mẹ tôi tham gia trồng và hái cây thuốc, tôi làm việc ở khu dịch vụ tắm lá thuốc, với mức lương ba triệu đồng/tháng. Từ khi HTX hoạt động tốt đã tạo được nhiều việc làm hơn cho người dân địa phương”.

Cũng nhờ duy trì và phát huy những giá trị truyền thống gắn với bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc quý, lượng khách du lịch đến với thôn Nặm Đăm ngày càng tăng. Hầu hết các hộ dân trong thôn, ngoài tăng thu nhập từ cây dược liệu còn làm thêm các dịch vụ phục vụ du khách, đời sống của người dân nơi đây dần được nâng cao. Chủ tịch UBND xã Quản Bạ Nông Minh Tiến cho biết: “Hầu hết các hộ dân thôn Nặm Đăm đều tham gia trồng cây dược liệu, làm các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch. Thôn có 54 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay đã có nhiều hộ khá và chỉ còn duy nhất một hộ nghèo. Đây là thôn điển hình về phát triển kinh tế của xã và là thôn điển hình về khai thác các giá trị từ cây dược liệu để phát triển kinh tế ở Quản Bạ”.

Trang web giải trí Saba Sports