Bá Thước nỗ lực thoát nghèo

|

Bá Thước là một trong bảy huyện miền núi nghèo ở tỉnh Thanh Hóa thụ hưởng các chính sách ưu đãi đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Từ thực tế, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp phát huy nội lực nhằm giúp huyện giảm nghèo nhanh và bền vững.

Đến thăm gia đình anh Lục Văn Tâng, ở thôn Đốc, xã Cổ Lũng, vợ anh, chị Hà Thị Huệ đang mải mê tút những cum lúa trĩu hạt, còn anh hồ hởi dẫn khách tham quan khu chuồng trại. Được hỗ trợ 10 triệu đồng, anh Tâng vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội bốn triệu đồng, tự chọn mua con bò cái sinh sản về nuôi. Vợ chồng anh được tập huấn, hướng dẫn chăn nuôi gia súc, tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn bò, sau ba năm chăm sóc, con bò mẹ sinh thêm hai bê con. Ngoài canh tác ruộng nương, phát triển chăn nuôi nông hộ, vào kỳ nông nhàn anh cùng tốp thợ trong thôn tham gia xây dựng các công trình. Sau khi thoát nghèo, anh Tâng hỗ trợ anh trai Lục Văn Chăm nuôi một con bò sinh sản để nhân đàn, có thêm thu nhập.

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, huyện Bá Thước và xã Cổ Lũng đã tạo điều kiện cho các doanh nhân tỉnh ngoài đầu tư xây dựng trang trại, lựa chọn, bảo lưu và phát triển giống vịt Cổ Lũng. Anh Chu Văn Sáu, quê ở tỉnh Vĩnh Phúc nhận thầu 5.000 m2 hồ Pó Giấm ở thôn Lọng, xã Cổ Lũng để chăn nuôi vịt. Sau khi lựa chọn được 200 con vịt Cổ Lũng giống gốc, chăn nuôi sinh sản, nhân đàn, anh đầu tư lò ấp vịt, cung ứng vịt giống cho nông dân, liên kết với 50 hộ nông dân chăn nuôi vịt Cổ Lũng. Hiện trang trại của anh đạt doanh thu gần 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho bốn lao động với mức lương bình quân bốn triệu đồng/người/tháng. Các hộ hợp tác với doanh nghiệp tổ chức chăn nuôi vịt Cổ Lũng cũng đạt thu nhập hơn 20 triệu đồng/năm. Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng Bùi Văn Sâm cho biết: Trồng cải xoong, măng bát độ, chăn nuôi vịt Cổ Lũng, kết hợp với khai thác tiềm năng du lịch tạo thu nhập ổn định đã mở ra hướng thoát nghèo cho nhiều hộ trong xã nói riêng, các xã vùng đệm, vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nói chung.

Là một trong các huyện nghèo trên địa bàn cả nước, giai đoạn 2015 - 2017, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư ở Bá Thước được hỗ trợ hơn năm tỷ đồng khoanh nuôi, bảo vệ rừng; 5.003 hộ được hỗ trợ giống, phân bón trị giá hơn 6,7 tỷ đồng để trồng, thâm canh các loại cây trồng; 580 hộ được hỗ trợ hơn sáu tỷ đồng mua trâu, bò sinh sản; 717 hộ được hỗ trợ gần ba tỷ đồng mua dê, lợn nái, 162 hộ được hỗ trợ 407 triệu đồng chăn nuôi gia cầm; 98 hộ được hỗ trợ 192 triệu đồng làm chuồng trại chăn nuôi xa nhà ở... Ngoài ra, Chương trình 30a còn cấp vắc-xin tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; hỗ trợ xây dựng 10 mô hình sản xuất cho người dân học tập và làm theo. Chương trình 135 hỗ trợ nông hộ mua giống, phân bón thâm canh các loại cây trồng, xây dựng chuồng trại, phát triển đàn gia súc, gia cầm.

Thanh Hóa đã lồng ghép các chương trình, dự án quốc gia nhằm tăng thêm nguồn lực thực hiện Nghị quyết 09 của Đảng bộ tỉnh khóa 17 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh, bền vững ở các huyện miền núi. Nhiệm kỳ này, Huyện ủy Bá Thước ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển vật nuôi có lợi thế; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại, gia trại, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ tiên tiến.

Phó Chủ tịch UBND xã Điền Trung Hà Đông Dương cho hay: Toàn xã đã chuyển 230 ha đất canh tác hiệu quả thấp sang gieo trồng các loài cây có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó có 145 ha chuyên canh cây mía đen và mía ép nước. Hiện cây mía đen cho giá trị thu nhập 200 triệu đồng/ha, cho nên cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục chuyển 50% diện tích đất canh tác sang trồng mía; đẩy mạnh sản xuất vụ đông thành vụ sản xuất chính. Ngoài ra, huyện phối hợp với doanh nghiệp tăng cường quản lý, khai thác hồ thủy điện Bá Thước, cho nông hộ đấu thầu, nuôi thủy sản trong 800 lồng bè. Với 32 nghìn ha rừng sản xuất, cùng với thiết kế khai thác, trồng mới 500 ha rừng/năm, nông dân các địa phương được hướng dẫn biện pháp phục tráng 600 ha luồng; tập trung phát triển rừng gỗ lớn bằng các loài cây cho giá trị kinh tế cao như lim, lát, sấu, xoan.

Bí thư Huyện ủy Bá Thước Trương Văn Lịch đánh giá: Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, luôn khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên thoát nghèo trong nhân dân. Các ngành, địa phương trong tỉnh trợ giúp, đồng hành cùng nhân dân huyện Bá Thước phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững. Bá Thước dự kiến du nhập, trồng cây gai xanh, cây dược liệu, khoai tây, bí, măng tây, mở rộng vùng rau an toàn đi đôi với quan tâm khai thác tiềm năng, thế mạnh ở khu vực Quốc Thành, nhất là phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng nhằm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nhất là đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tải xuống trò chơi PP điện tử