Theo các già làng, lễ hội Khai năm Tạ ơn rừng là một nét văn hóa truyền thống của người Cơ Tu được tổ chức vào đầu năm âm lịch hằng năm, khi cây cối bắt đầu đâm chồi nảy lộc, chim rừng hót vang trên đại ngàn và khi người dân chuẩn bị bước vào mùa lúa rẫy. Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’riu Liếc cho biết, từ bao đời nay, người Cơ Tu luôn sinh sống, gắn bó với núi rừng. Rừng núi là điểm tựa giúp người dân vượt qua thiên tai, bão lũ để tồn tại và phát triển. Lễ hội Khai năm Tạ ơn rừng nhằm bày tỏ lòng biết ơn "Mẹ rừng" đã phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, làm ăn sung túc. Thế nhưng theo thời gian, lễ hội này dần mai một.
Ðể góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của người Cơ Tu, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân, nhất là tạo ra nét đặc trưng trong chiến lược phát triển du lịch ở địa phương, huyện Tây Giang đã quyết định tổ chức Lễ hội Khai năm Tạ ơn rừng lần thứ 1 năm 2018 tại Làng sinh thái di sản Pơ-mu thuộc xã Axan. Lễ hội được tổ chức trong hai ngày, gồm phần lễ và hội. Trong đó, phần lễ thực hành các nghi lễ liên quan đến phong tục "cúng rừng" theo truyền thống như lễ: Dựng cây nêu, cúng hiến trâu, khóc tế trâu, cúng đầu trâu. Ngoài ra, tổ chức các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ. Phần hội diễn ra các hoạt động như: Giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian lành mạnh gắn với du lịch khám phá. Tại đây, du khách được tham quan rừng cây di sản Pơ-mu, ngắm rừng hoa đỗ quyên trên đỉnh K’lang và trải nghiệm các điểm du lịch sinh thái bên dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Già làng C’lâu Blao, ở xã Tr’Hy cho biết, người Cơ Tu rất yêu quý rừng. Rừng núi là mái nhà chung từ ngàn đời nay. Ðối với đồng bào, rừng núi rất linh thiêng, cho nên họ không tùy tiện chặt phá rừng khi chưa được dân làng và chính quyền địa phương đồng ý. Nhờ thế, những cánh rừng tự nhiên nơi đây luôn được bảo vệ. Hiện tại, Tây Giang là địa phương duy nhất ở Quảng Nam sở hữu khu rừng Pơ-mu cổ thụ với hơn hai nghìn cây. Trong đó, có 725 cây Pơ-mu đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Người Cơ Tu quan niệm, ngoài việc Khai năm cầu may, lễ Tạ ơn rừng còn là lời hứa của đồng bào trong việc nâng cao ý thức về xây dựng, quản lý và bảo vệ rừng; đồng thời tạo mối gắn kết cộng đồng, bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu. Qua đó, góp phần quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Tây Giang và các huyện miền núi Quảng Nam.