Gia đình là điểm tựa tinh thần
Đối với mọi gia đình, những người con trưởng thành luôn là niềm vui lớn nhất. Và gia đình anh chị Tác-Hồng cũng không ngoại lệ, song niềm vui, niềm tự hào ấy như được nhân lên gấp nhiều lần, bởi con gái của họ - VĐV ĐT bơi Việt Nam, Nguyễn Thị Ánh Viên đã làm được những điều phi thường, dù không thường xuyên có được sự chăm sóc, bao bọc của người thân.
“Hay tin Viên lọt vào chung kết Olympic trẻ 2014 ở nội dung 200 mét hỗn hợp, tôi nghĩ nếu nó giành HCĐ là mừng lắm rồi. Nên khi mấy người bạn của Viên báo nó được HCV, tôi không tin. Chỉ đến khi Ánh Viên trực tiếp gọi điện về nói ‘con giành được HCV rồi cha ơi’, tôi mới biết đó là sự thực”, anh Nguyễn Văn Tác, bố VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên vui mừng chia sẻ, trong khi chị Nguyễn Thị Ánh Hồng – mẹ Ánh Viên dù rất hạnh phúc với thành quả của cô con gái lớn mang lại, “nhưng cũng chỉ để trong lòng, chứ không nói được thành l??i”.
Anh chị Tác-Hồng cũng cho biết, trong những ngày Ánh Viên thi đấu trên đất Trung Quốc, lúc nào gia đình cũng để TV ở trạng thái bật, trông ngóng tin cô. Trong khi đối với ông bà nội, ngay cả khi Ánh Viên đã trở thành niềm tự hào của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế thì cô vẫn chỉ là đứa cháu bé bỏng, lúc nào cũng cần sự chở che và quan tâm.
“Để có được những thành quả đó, Viên đã phải trải qua rất nhiều cực khổ. Nhiều lúc nghĩ thương cháu, nghĩ tội nghiệp cho con bé đến rơi nước mắt mà cũng phải ráng chịu. Những lúc Viên về chơi, tôi nói ‘sao con không nhìn vào ống kính máy quay của các cô, các bác, các chú để nội thấy nội mừng’ thì nó bảo ‘như thế đâu có được, khó lắm. Nhiều khi thua, con buồn, con chỉ muốn về luôn”, bà Nguyễn Thị Bảy, bà nội của Ánh Viên, thuật lại cuộc nói chuyện giữa hai bà cháu trong một lần Ánh Viên về nhà chơi.
Quả thật, 17 tuổi đã phải xa nhà biền biệt, với những chuyến tập huấn, thi đấu liên miên, điều này tưởng chừng như không dễ để Viên vượt qua. Lên Trung tâm huấn luyện quốc gia TP Hồ Chí Minh từ đầu năm 2009 và sang Mỹ năm 2012, hồi đầu, Viên “nhớ nhà ghê gớm, luôn có cảm giác muốn khóc khi thấy thứ gì cũng xa lạ”. Nhưng nhờ sự động viên của ông bà, bố mẹ và thầy Đặng Anh Tuấn, Viên đã vượt qua tất cả. Hơn nữa, Viên cũng cần phải tập trung và dốc sức tối đa cho những bài tập với cường độ cao.
Thế nên, có thể nói: mỗi tấm huy chương mà Ánh Viên mang về cho thể thao Việt Nam đều có dấu ấn vô cùng ý nghĩa từ hậu phương. Dù không thể ở bên, nhưng gia đình luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc để Viên phấn đấu. Và với cá nhân kình ngư số một Đông - Nam Á, được cống hiến cho thể thao nước nhà cũng là để đền đáp cho cả những kỳ vọng lớn lao t?? phía gia đình.
Ánh Viên cùng HLV trưởng CLB Augustine, Frank Holleman sau khi được công bố lọt vào Top 10 nữ “kình ngư” thế giới ở nội dung 400 mét bơi hỗn hợp hồi tháng ba (ảnh: swimswam.com)
Cô đại uý trẻ
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được (hơn 40 tấm huy chương quốc tế các loại), hồi đầu năm, Nguyễn Thị Ánh Viên được Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Chính trị QĐND Việt nam tặng Bằng khen; T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo; Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được thăng quân hàm từ Thượng úy lên Đại úy trước niên hạn.
“Nguyễn Thị Ánh Viên không chỉ là niềm tự hào của thể thao quân đội mà còn là của làng bơi lội nữ Việt Nam. Từ đó có thể thấy rõ sự đầu tư trọng điểm, có chiều sâu của Tổng cục Thể dục thể thao và Bộ quốc phòng. Mong rằng Ánh Viên sẽ tiếp tục tỏa sáng để mang về thêm những tấm huy chương cho thể thao nước nhà, Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao quốc phòng 4 (Quân khu 9) - Thượng tá Bùi Hữu Nghi, cho biết.
Sang Incheon (Hàn Quốc) sớm nhất
Ánh Viên gần như không có ngày nghỉ kể từ đầu năm, với quy trình tập huấn, thi đấu vô cùng chặt chẽ, nặng nhọc trong giai đoạn tăng tốc quyết định của sự nghiệp. Theo đó, sau khi kết thúc Olympic trẻ ở Nam Kinh, “kình ngư” số một Đông - Nam Á đã cùng với HLV Đặng Anh Tuấn đã bay thẳng sang Incheon (Hàn Quốc) để chuẩn bị cho ASIAD 17. Tuy nhiên, do làng VĐV ph??i đến ngày 15-9 mới chính thức mở cửa nên Ánh Viên không thể tập luyện trong hồ bơi chính thức của Đại hội. Để kế hoạch tập luyện nhằm thích nghi với khí hậu Incheon của Ánh Viên không bị ảnh hưởng, hai thầy trò đã thuê hồ bơi riêng.
Trong khi đó, tại ASIAD 17 năm nay, đoàn thể thao Việt Nam cử 199 VĐV (97 nam và 102 nữ) tham gia ở 21 nội dung. Ngoài Ánh Viên (bơi), còn có Vũ Thị Hương (điền kinh), Thạch Kim Tuấn (cử tạ) và Hoàng Xuân Vinh (bắn súng)…cũng được kỳ vọng sẽ gặt “vàng”. Theo dự kiến, sau bơi lội, bắn súng và rowing sẽ là những môn đến Incheon sớm tiếp theo, lần lượt vào các ngày 3-9 và 5-9.